Diêm dân Bảo Thạnh sản xuất muối phủ bạt
Đăng lúc: 29-03-2015 04:49:56 PM - Đã xem: 3538
Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, vụ muối năm 2014 – 2015, nhiều diêm dân ở Bảo Thạnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất muối phủ bạt và bước đầu mang lại hiệu quả.
Xã Bảo Thạnh (Ba Tri) có nghề sản xuất muối từ lâu đời, có diện tích lớn nhất huyện với 650 ha. Những năm qua, do sản xuất theo phương pháp truyền thống trên nền đất nên chất lượng muối thấp, giá bán không cao. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, vụ muối năm 2014 – 2015, nhiều diêm dân ở Bảo Thạnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất muối phủ bạt và bước đầu mang lại hiệu quả.
Anh Nguyễn Minh Lương, sinh năm 1955 ở ấp Thạnh Lợi là một trong những diêm dân đã thực hiện mô hình này. Năm 1976, anh Lương tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế đến năm 1980, anh xuất ngũ trở về quê lập gia đình và phát triển kinh tế trên 6 công đất sản xuất muối cho đến nay. Vụ muối năm nay, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, anh mạnh dạn đầu tư trên 20 triệu đồng thực hiện mô hình sản xuất muối phủ bạt với diện tích 900 m2 với mong muốn nâng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế. Sau thời gian thực hiện, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả. So với diện tích không phủ bạt thì muối phủ bạt có nhiều ưu điểm như nước không bị thất thoát, thời điểm đến khi muối kết tinh ngắn hơn 1/3 thời gian, muối không bị lẫn tạp chất từ đất. Sau đợt thu hoạch đầu tiên, anh thu được trên 3 tấn muối, tăng 30% so với diện tích không phủ bạt. Anh Nguyễn Minh Lương phấn khởi cho biết: “Thực hiện mô hình này muối của tôi thu hoạch cho sản lượng, chất lượng cao hơn muối sản xuất trên nền đất. Từ đó, tôi không sợ đầu ra sản phẩm, thương láy sẽ tìm đến mua, giá bán chắc chắn sẽ cao hơn”.
Ảnh: Mô hình sản xuất muối phủ bạt
Không chỉ có anh Lương, mà vụ muối này xã Bảo Thạnh có 10 hộ đầu tư mô hình sản xuất muối phủ bạt với diện tích 7 ha. Đến thời điểm này, hầu hết các hộ đều thu hoạch.
Ngoài sản xuất muối thô, thời gian gần đây, xã Bảo Thạnh có hộ đã đầu tư chế biến muối tôm, muối chay từ muối của địa phương. Cơ sở này đang có nhu cầu lượng muối trắng chất lượng để chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Trịnh Hoàng Be, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bảo Thạnh cho biết: “Vụ muối năm nay, một số hộ dân của xã đã thực hiện mô hình sản xuất muối phủ bạt và mang lại kết quả tốt. Muối của bà con sản xuất ra đảm bảo chất lượng, có thể sử dụng trong công nghiệp hoặc chế biến muối Iốt. Đây là điều đáng mừng cho nghề làm muối ở địa phương. Sắp tới, ngoài việc cung cấp sản phẩm cho cơ sở sản xuất muối tôm, muối chay ở địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre vận động các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh đến mua, bao tiêu muối của bà con. Đồng thời tạo điều kiện để người dân được vay vốn từ các nguồn để đầu tư sản xuất, nhân rộng mô hình này”.
Có thể nói, mô hình sản xuất muối phủ bạt ở Bảo Thạnh bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tin rằng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng không chỉ cho diêm dân ở Bảo Thạnh mà cả những người làm muối ở các xã còn lại của huyện Ba Tri, qua đó nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Các bài viết khác
- THÔNG MINH HAY NGU DỐT? (10.12.2020)
- CHÚNG TA ĐÃ NGHÈO NHƯ THẾ NÀO? (06.10.2020)
- CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG HẠT MUỐI (16.05.2020)
- ÔNG CHỦ (14.04.2020)
- CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI (10.10.2019)