Chi tiết

“Bức tử” nghề muối

Đăng lúc: 29-03-2015 04:53:39 PM - Đã xem: 3071

Việt Nam có hơn 3.260 km bờ biển và khoảng 3.000 giờ nắng mỗi năm. Với điều kiện thuận lợi như vậy, lẽ ra ngành muối phát triển tốt nhưng năm nào chúng ta cũng nhập khẩu muối, đời sống diêm dân thì ngày càng khổ sở

Việt Nam có hơn 3.260 km bờ biển và khoảng 3.000 giờ nắng mỗi năm. Với điều kiện thuận lợi như vậy, lẽ ra ngành muối phát triển tốt nhưng năm nào chúng ta cũng nhập khẩu muối, đời sống diêm dân thì ngày càng khổ sở

Năm 2007, Việt Nam nhập khẩu 140.000 tấn muối, năm 2008 nhập 380.000 tấn, năm 2009 lên tới 580.000 tấn, năm 2010 là 140.000 tấn và năm 2011 này cũng hơn 100.000 tấn. Trong khi đó, muối trong nước không năm nào thiếu.
Tồn đọng nhiều, lại bị cạnh tranh bởi muối ngoại, giá muối trong nước thấp thê thảm. Vì thế, 250.000 diêm dân tại 14.400 ha cánh đồng muối ở 120 xã ven biển của cả nước không ngóc đầu lên nổi.

Diêm dân điêu đứng

Phú Yên có 2 cánh đồng muối lớn ở thị xã Sông Cầu là Tuyết Diêm (xã Xuân Bình) và Trung Trinh (xã Xuân Phương) với diện tích 176 ha, sản lượng muối từ đầu năm đến nay đạt trên 14.000 tấn.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, lượng muối tồn đọng tại ruộng hiện gần 5.000 tấn, bằng 1/3 sản lượng. Giá muối chỉ 500 đồng/kg nhưng chẳng ai mua.
Mức giá trên dù thấp chưa bằng năm ngoái nhưng chi phí sản xuất, vận chuyển… năm nay tăng hơn 20% nên người làm muối càng thêm lao đao. Cánh đồng muối Tuyết Diêm có trên 700 hộ diêm dân, mỗi xã viên nhận khoảng 200 m2 ruộng muối.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, trên diện tích ấy, nếu hộ nào “cày” giỏi cũng chỉ được 6 tấn muối/năm, thu được 3 triệu đồng; trừ chi phí đầu vào 1 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ mua gạo!

Hộ bà Nguyễn Thị Trương (45 tuổi, ở thôn Tuyết Diêm) có 2 xã viên, được nhận 400 m2 ruộng muối. Hai tháng qua, bà Trương bỏ nghề muối, chuyển sang làm thuê cho các thương lái. “Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, cũng đỡ. Nếu cứ ôm ruộng muối thì cả nhà đói” - bà Trương ngán ngẩm.

Có nhiều người bỏ ruộng muối như bà Trương. Chưa kết thúc vụ song cánh đồng muối Tuyết Diêm những ngày qua chỉ còn lưa thưa một vài thửa; diêm dân đi làm thuê đủ thứ nghề để kiếm sống. Bà Trần Thị Bảy (55 tuổi) đi đan lưới thuê bên xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu).
“Cứ vài ba hôm thì về nhà, đi ngang qua ruộng muối, nhìn ruộng rong rêu mà ứa nước mắt. Đời ông, đời cha sống được với nghề nhưng đến đời mình đành bỏ ruộng bởi nếu làm thì… lấy gì ăn?!” - bà Bảy ngậm ngùi.
 
Sản lượng muối ở Bạc Liêu khá cao nhưng diêm dân tỉnh này vẫn cứ nghèo. Ảnh: Duy Nhân
Ông Nguyễn Văn Khương nói thêm: “Thấy tình cảnh diêm dân như vậy, lãnh đạo xã cũng khổ tâm lắm nhưng chẳng có cách nào để giúp họ. Rõ ràng Nhà nước cho nhập khẩu muối làm ảnh hưởng nhất định đến việc giá muối thấp như hiện nay”.
Những ngày qua, dọc Quốc lộ 1A khoảng 20 km đoạn từ trung tâm thị xã Sông Cầu đến xã Xuân Bình, muối được chất thành đống, thành dãy chờ thương lái đến mua. Bà Nguyễn Thị Hương (43 tuổi, đầu nậu ở vùng muối Tuyết Diêm) cho biết: “Diêm dân không còn hy vọng giá muối sẽ lên, trong khi mùa mưa lụt sắp đến nơi rồi nên họ ùn ùn chở muối ra tận đường, gọi tôi đến cân.
Mà cân rồi cũng chỉ để đó chứ đâu có ai mua. Chẳng biết thương lái năm nay “lặn” đâu mất!”. Vừa cân muối xong, ông Nguyễn Ngọc Hùng (44 tuổi, ở thôn Tuyết Diêm) ngồi bần thần: “Đành bán nợ thôi, khi nào đầu nậu bán được cho thương lái thì họ mới trả tiền cho mình. Biết vậy nhưng giờ “mấy ông bộ” cho nhập muối rồi thì sắp tới giá muối còn giảm nữa”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 7-9, ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nói: “Biết diêm dân khổ nhưng lãnh đạo thị xã không tìm ra cách gì để giúp dân!”.

Lợi nhuận vào túi thương lái

Tỉnh Bạc Liêu cũng là địa phương có thế mạnh về nghề muối ở nước ta với khoảng 3.600 hộ làm nghề. Ông Nguyễn Văn Khải, một diêm dân ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải - Bạc Liêu, chỉ tay về những cánh đồng muối đã thu hoạch xong, nói: “Toàn bộ muối ở đây đã nằm gọn trong kho của tư thương hết rồi. Một số người may mắn bán được lúc giá muối lên, nhưng cao lắm cũng chỉ 450 đồng/kg muối đen và 800 đồng/kg muối trắng”.
Trong khi đó, giá muối hiện được các doanh nghiệp thu mua tại nhà máy khoảng 900 đồng/kg đối với muối đen và từ 1.200 đồng đến hơn 1.500 đồng/kg đối với muối trắng. Điều này cho thấy giá muối thương lái thu mua của diêm dân chỉ bằng một nửa so với giá họ bán cho nhà máy.
Điển hình là trường hợp ông Trịnh Văn Dân ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải vừa bán cho thương lái 100 tấn muối. Ông Dân cho biết: “Bán xong rồi mới biết giá thấp hơn một nửa so với giá thị trường. Chúng tôi thiếu thông tin nên dễ bán hớ”.

Một thực tế tồn tại nhiều năm qua ở Bạc Liêu là hạt muối từ diêm dân đến nhà máy phải qua rất nhiều khâu trung gian. Riêng ở huyện Đông Hải đã có hàng chục thương lái chuyên thu gom muối của diêm dân. Một cán bộ ở tỉnh Bạc Liêu cho biết vụ muối vừa qua, diêm dân xã Điền Hải (có diện tích làm muối lớn nhất tỉnh) thu hoạch được khoảng 60.000 tấn muối, trong số này, riêng một vựa muối lớn trong xã đã thu gom khoảng 36.000 tấn để dự trữ, “ăn” chênh lệch hàng chục tỉ đồng.

 

Hiện Phú Yên đang tồn đọng hàng chục ngàn tấn muối, không có

người mua dù giá chỉ khoảng 500 đồng/kg; diêm dân kêu trời. Ảnh: HỒNG ÁNH

Giữa các thương lái và các công ty muối có dấu hiệu bắt tay nhau ép giá diêm dân. Vụ muối vừa qua, quá bức xúc, diêm dân Trần Văn Đồ, ở xã Long Điền Đông, liên kết với một số hộ khác thuê xuồng chở muối đến tận các công ty với hy vọng bán được giá cao. Thế nhưng, họ đành thất vọng quay về sau khi chấp nhận bán bằng với giá của thương lái thu mua tại ruộng.
“Chúng tôi phải neo xuồng mấy ngày, xin họ nâng giá lên chút đỉnh để trả tiền chuyên chở nhưng họ quyết không chịu; chúng tôi đành bán tháo để về nhà, chấp nhận chịu lỗ thêm tiền chuyên chở và lộ phí. Sau lần đó, chúng tôi không còn cách nào khác là đành an phận. Thương lái mua sao thì mình bán vậy thôi!” - ông Đồ ngao ngán.
To top